Các lực lượng khác Thời đại quân phiệt

Bởi vì binh lính dưới quyền không có khả năng sử dụng hoặc chăm sóc đúng cách vũ khí hiện đại, các quân phiệt thường phải thuê lính đánh thuê nước ngoài, những người chiến đấu hiệu quả nhưng cũng rất dễ dàng bán mình theo lời đề nghị khác. Dân Bạch Nga chạy trốn sang Trung Quốc sau chiến thắng của phe Bolshevik, được tuyển dụng rất rộng rãi. Theo lời một phóng viên, lính đánh thuê Nga xuyên qua quân Trung Quốc dễ dàng như dùng dao thái bơ. Đơn vị lính Nga được trả lương cao nhất do tướng Konstatin Nechaev chỉ huy, người chiến đấu cho Trương Tông Xương, "Tướng thịt chó" cai trị tỉnh Sơn Đông. Nechaev cùng người của mình vô cùng đáng sợ. Năm 1926, họ lái ba tàu hỏa bọc thép qua vùng nông thôn, bắn hạ bất cứ ai gặp trên đường và lấy đi mọi thứ có thể di chuyển được. Hành vi bạo lực chỉ dừng lại khi nông dân chặn đường ray tàu hỏa dẫn Nachaev sang thị trấn gần nhất cướp phá.[32]

Để tự vệ trước những cuộc tấn công từ các phe phái và lực lượng quân đội quân phiệt, nông dân tự tổ chức hội kín dân quân và hiệp hội làng xã, đóng vai trò như những lực lượng dân quân tự vệ hay nhóm bảo an. Vì nông dân thì không có tiền mua súng và không được huấn luyện quân sự, những hội kín kể trên chiến đấu dựa vào võ thuật, vũ khí tự chế như gươm, giáo, và niềm tin kiên định vào phép thuật hộ thân.[33][34] Niềm tin đao thương bất nhập vô cùng quan trọng, vì nó là "một vũ khí mạnh mẽ để củng cố quyết tâm cho những người sở hữu ít nguồn lực thay thế bảo vệ gia tài ít ỏi."[35] Nghi lễ phép thuật mà nông dân thực hiện rất đa dạng, từ những thực hành khá đơn giản như nuốt bùa,[36] đến những thực hành cầu kỳ hơn nhiều. Ví dụ, thành viên Hồng Thương Hội thực hiện các nghi lễ bí mật ban khả năng chống đạn để chuyển đổi sức mạnh của khí và luôn khỏa thân ra trận, trét đất sét đỏ được cho là có khả năng chống đạn lên cơ thể.[23] Tang Phục Hội thì khấu đầu ba lần và gào khóc thật to trước mỗi lần ra trận.[36] Thất vọng với Trung Hoa Dân quốc và tuyệt vọng vì bị quân phiệt tước đoạt của cải, nhiều hội kín nông dân áp dụng chủ nghĩa hoài cổ,[35] chủ trương khôi phục chế độ quân chủ cũ, được dẫn dắt bởi cựu triều Minh. Quá khứ được lãng mạn hóa rộng rãi, và nhiều người tin rằng một vị hoàng đế nhà Minh sẽ mang lại một "triều đại hạnh phúc và công bằng cho tất cả mọi người".[37][38]